Nguyên Nhân Chính Khiến Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Tăng Phi Mã
Theo Cục chăn nuôi, nguyên nhân chính khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, kéo theo mặt bằng giá chung của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng, De Heus cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng khiến chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với mức bình thường.
Hiện nay, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu chiếm khoảng 80% so với giá thành sản xuất. Tuy Việt Nam là nước mạnh về chăn nuôi, cùng là một trong những quốc gia sản xuất lượng thức ăn chăn nuôi dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất, phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.
Năm 2015, tổng lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu năm 2015 là 15,4 triệu tấn. Đến năm 2020, lượng nhập khẩu tăng lên 20,2 triệu tấn. Sang quý I, tổng lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020. (Theo Cục chăn nuôi)
Trong khi đó, đại dịch Covid -19 đã gây nhiều ảnh hưởng nặng nề lên chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bởi vận tải gặp nhiều khó khăn, các khâu xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa bị kiểm soát nghiêm ngặt về dịch bệnh, thậm chí có nhiều nơi còn tạm ngưng hoạt động vận tải. Chi phí vận chuyển đã tăng khoảng 200-300% so với mức bình thường, tình trạng thiếu container và tàu vận chuyển vẫn còn là một trở ngại lớn.
Một nguyên nhân chủ yếu nữa khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do giá các loại ngũ cốc đều tăng cao, bởi các chi phí sản xuất nguyên vật liệu thô tăng.
Theo Cục Chăn nuôi, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7. Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại. Khi đó, thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg.
Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và người chăn nuôi đang phải gánh chịu sức ép nặng nề, đặc biệt là những người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?
Để kiểm soát được giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, các doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm những nguồn nguyên liệu trong nước, tận dụng những nguồn phế phẩm từ công nghiệp có thể thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu, giảm tối đa các chi phí sản xuất để bình ổn giá thành phẩm.
Bên cạnh đó, các chính sách về thương mại cũng cần được cải thiện đối với việc nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nâng cao hệ thống vận chuyển của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thời gian tới, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu TACN (Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ…) để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường TACN tại Việt Nam. Với Bộ Tài chính, kiến nghị đưa ra là có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; đồng thời bố trí ngân sách ưu tiên và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. (Theo Báo Chính Phủ)
De Heus là tập đoàn đến từ Hà Lan với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng động vật. Chúng tôi đã và đang cố gắng cải thiện những hoạt động sản xuất của mình tại các quốc gia mà chúng tôi có mặt theo hướng bền vững nhất, giảm thiểu tối đa những tác động đến môi trường khí hậu, đảm bảo phúc lợi động vật. De Heus tin rằng, bằng những nỗ lực của mình, chúng tôi sẽ góp phần to lớn vào nền nông nghiệp thịnh vượng, mang lại hiệu quả kinh tế tối đa cho người chăn nuôi.