De Heus Hỗ Trợ Bờ Biển Ngà Hướng Đến Tự Chủ Lương Thực
Trong 3 năm quản lý xuất khẩu tại Koudijs, anh Mark Hop quan sát thấy nhu cầu khách hàng và thị trường tại Bờ Biển Ngà đã thay đổi đáng kể. Anh cũng nhận ra chính phủ nước này đang có xu hướng dịch chuyển sang tự chủ sản xuất đạm động vật, đồng nghĩa với cơ hội vô cùng lớn cho người nông dân địa phương. “Người chăn nuôi gia súc, gia cầm có thể phát triển quy mô chăn nuôi, còn người nông dân canh tác có thể sản xuất nguyên liệu thô cho thức ăn chăn nuôi.”
Cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra hơn một thập kỉ về trước là cột mốc then chốt trong lịch sử của Bờ Biển Ngà. Cho tới năm 2011, quốc gia từng được xem là thịnh vượng nhất nhì châu Phi này đã luôn phải vật lộn với biến động chính trị, dẫn đến bất ổn kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.
Trong chiến lược phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế bền vững, chính phủ nhận định nông nghiệp là ngành đóng vai trò quan trọng. Mục tiêu cụ thể là giảm phụ thuộc vào nông phẩm nhập khẩu, nâng cao mức sống người dân và đảm bảo nguồn cung đạm động vật với giá phải chăng. Bờ Biển Ngà từ lâu đã nổi tiếng là vựa cocoa lớn nhất thế giới và với khả năng tự chủ sắn, khoai mỡ và chuối. Dẫu vậy, quốc gia này vẫn phụ thuộc vào đạm động vật và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, do đó thuế nhập khẩu và các loại thuế quan áp dụng trên giá thức ăn chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến giá thịt trên thị trường.
Đầu năm 2020, anh Mark và quản lý của mình - Wim Bolder ngồi lại với nhau. “Khách hàng của chúng tôi cần phải mua được thức ăn chăn nuôi chất lượng cao với giá tốt thì mới có thể nâng cao sản lượng, tạo ra nguồn đạm động vật an toàn, giàu dinh dưỡng với giá cả phải chăng cho thị trường địa phương,” anh Wim nói. “Chúng tôi quyết định rằng mình cần phải sản xuất thức ăn chăn nuôi ngay tại Bờ Biển Ngà.”
CÁC BƯỚC THÀNH LẬP MỘT ĐƠN VỊ KINH DOANH
“Cơ hội thị trường khi ấy khá rõ ràng,” anh Mark hồi tưởng lại. “Sau khi chuyển từ xuất khẩu thức ăn cô đặc sang sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao tại Bờ Biển Ngà, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường địa phương, và tạo thêm nhiều giá trị cho nơi này.” Để có cái nhìn toàn cảnh về tình hình thị trường và rủi ro tiềm tàng, anh tham vấn các bên liên quan tại Hà Lan và Bờ Biển Ngà. “Đại sứ quán Hà Lan và Bộ Công thương, cũng như các doanh nghiệp khác đã có trụ sở tại Bờ Biển Ngà như Heineken và FrieslandCampina đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin giá trị.”
Khi Mark và Wim trình bày kế hoạch kinh doanh với Co và Koen de Heus, họ nhanh chóng được ủng hộ. “Bởi tôi đã soạn ra kế hoạch kinh doanh này, họ hỏi tôi có thể thực hiện nó luôn được không.” Cuối năm đó, anh Mark đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của đơn vị kinh doanh non trẻ nhất của De Heus.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA “THỔ ĐỊA”
Nhà máy sản xuất được xây dựng ở khu công nghiệp ở rìa Abidjan, thủ phủ kinh tế của Bờ Biển Ngà. Khi cần huy động vốn đầu tư và xin giấy phép xây dựng, anh Mark nhận ra mình cần một người hiểu rõ cách làm việc với chính quyền địa phương. Anh liên hệ với đối tác kiểm toán của Koudijs ở Bờ Biển Ngà và hỏi liệu họ có biết ai phù hợp không. Và thật may là họ biết một người phù hợp.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành tài chính và kiểm toán, anh Cédric Gnamba nắm chắc cách thức hoạt động của doanh nghiệp địa phương cũng như các quy định và luật lệ. Là quản lý và là người Abidjan đầu tiên được chính thức tuyển dụng vào đơn vị kinh doanh mới thành lập, “Cédric đã xin được các chữ ký cần thiết nhanh hơn tôi rất nhiều,” anh Mark kể lại. Anh Cédric mỉm cười khi nhớ lại những ngày đầu tiên: “Tôi biết phải nói chuyện với cán bộ nhà nước ra sao, làm theo quy trình tối ưu nào thuộc hệ thống cấp giấy phép xây dựng. Việc này giúp chúng tôi đăng ký mặt bằng nhanh hơn hai tháng.”
HIỆU ỨNG QUẢ CẦU TUYẾT LĂN CỦA NHÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG
Nhà máy sẽ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao nhất mà tập đoàn De Heus đặt ra. Anh Mark chia sẻ: “Chúng tôi nhập khẩu trang thiết bị và công nghệ tốt nhất từ châu Âu.” Việc xây dựng nhà máy cần khoảng 250 nhân công. “Ngay khi nhà máy đi vào hoạt động, tôi kỳ vọng sẽ tuyển dụng được hơn 150 nhân viên làm việc trong khối văn phòng và tại nhà máy với các vị trí quan trọng như kỹ sư, nhân viên vận hành máy và quản lý QA. Các hoạt động được mở rộng đồng nghĩa với việc mỗi công việc trực tiếp tạo ra năm công việc gián tiếp, qua đó, hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân địa phương.”
Đây là cơ hội tuyệt vời cho các đối tác trong chuỗi giá trị; bên cạnh đó, họ cũng cần nỗ lực hơn nữa. Qua các hoạt động xuất khẩu của Koudijs, De Heus tạo ra một mạng lưới các đại lý bán thức ăn chăn nuôi và gặp gỡ người chăn nuôi để hỗ trợ tại trại. “Bằng cách tăng nguồn cung thức ăn địa phương, chúng tôi nâng cao sản lượng của khách hàng và mở rộng tệp khách hàng. Như vậy, mạng lưới các đại lý cũng có cơ hội phát triển cùng chúng tôi.” De Heus hiện đang có 80 đại lý kinh doanh khắp Bờ Biển Ngà, anh Mark đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số này.
“Mạng lưới càng lớn thì chúng tôi càng tiếp cận được nhiều người chăn nuôi. Chúng tôi đang triển khai chương trình hỗ trợ để giúp các đại lý phát triển.” Anh Mark nhìn lại chuỗi giá trị sau khi chuyển sang sản xuất tại địa phương. “Trong vòng ba năm, nhà máy sẽ đạt công suất tối đa. Đến năm 2025, mục tiêu của chúng tôi là thu mua 80,000 tấn nguyên liệu thô nội địa mỗi năm,” anh chia sẻ. “Chúng tôi đã ký hợp đồng với 500 người chăn nuôi để đảm bảo đầu ra cho họ với giá thị trường hợp lý.” Anh Mark cũng cộng tác với các doanh nghiệp thực phẩm khác tại Bờ Biển Ngà để tái sử dụng các chất dinh dưỡng có giá trị trong phụ phẩm của họ. “Heineken sẽ cung cấp cho chúng tôi men bia, nhà máy bột cung cấp cám lúa mì, còn công ty sản xuất cá hộp cung cấp bột cá.”
“Đến năm 2025, mục tiêu của chúng tôi là thu mua 80,000 tấn nguyên liệu thô nội địa mỗi năm.”
Vậy khách hàng Bờ Biển Ngà được hưởng lợi thế nào? Anh Cédric chia sẻ : “Khi sản xuất nội địa, từ chính nguyên liệu nội địa, chúng tôi loại bỏ thuế hải quan và có thể cung cấp cho người chăn nuôi thức ăn chất lượng cao với giá thấp hơn. Hy vọng rằng giá thịt trên thị trường nhờ vậy cũng giảm, giúp nhiều người dân Bờ Biển Nga tiếp cận được với đạm động vật an toàn và giàu dinh dưỡng.”
HIỆP LỰC DỰA TRÊN MỤC TIÊU CHUNG
Tháng 9 năm 2021, nhà máy chính thức khởi công xây dựng. Đây là một dấu mốc quan trọng không chỉ với De Heus, mà còn với người chăn nuôi, chính quyền, thậm chí cả đối thủ cạnh tranh tại Bờ Biển Ngà. Tất cả họ đều có mặt trong lễ động thổ. “Họ hiểu rằng nếu cả thị trường phát triển, họ cũng phát triển,” anh Mark chia sẻ. “De Heus không muốn khuấy động trật tự sẵn có, thay vào đó là chung tay phát triển thị trường.”
Khi nhà máy đi vào hoạt động, anh Mark sẽ đầu tư vào nông nghiệp bền vững tại Bờ Biển Ngà. Lấy cảm hứng từ các đơn vị kinh doanh De Heus khác, anh nhìn thấy cơ hội đầu tư ở mọi mắt xích trên chuỗi giá trị, ví dụ như bằng cách hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận tốt hơn với gà con một ngày tuổi hướng trứng và gà con một ngày tuổi hướng thịt. “Gà con một ngày tuổi hướng trứng và trứng giống hiện đang được nhập khẩu từ châu Âu qua đường hàng không, như vậy rất đắt đỏ. Đầu tư vào sản xuất địa phương giúp nguồn cung dồi dào hơn mà giá lại rẻ đi,” anh nói. “Đối tác địa phương của chúng tôi, Allart de Winter và Beaujeannot Kengne từ Poussin d’Or đã bước đầu đầu tư xây dựng một trại ấp trứng với năng suất 250,000 gà con một ngày tuổi hướng thịt mỗi tuần. Bước tiếp theo là nhìn vào sản xuất trứng giống tại địa phương.”
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
Trong dự án hợp tác với Rabobank, Yara và Cemoi, De Heus Bờ Biển Ngà xây dựng chương trình và đóng góp chuyên môn để hỗ trợ các hợp tác xã trồng cocoa chuyển đổi từ mô hình độc canh sang xen canh. Yara – đơn vị cung cấp phân bón và hạt giống – có chuyên môn về trồng hoa màu. Trong khi đó, mạng lưới các nhà cung cấp của Cemoi – công ty sản xuất sô cô la - là những người nông dân trồng cocoa có nhu cầu đa dạng hoá thu nhập. Hiện tại, thu nhập của họ đang dựa vào một mùa thu hoạch mỗi năm. Đa dạng hoá cây trồng giúp họ tăng cường số mùa thu hoạch trong năm, có được thu nhập ổn định hơn. Cuối cùng, De Heus thu mua số bắp họ trồng và dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.