Cập Nhật Nghiên Cứu Và Phát Triển: Đổi Mới Toàn Cầu
Nghiên cứu là nền tảng cho mọi giải pháp mang tính đột phá mà De Heus đưa đến cho người chăn nuôi. Để dẫn đầu xu thế, chúng tôi liên tục nâng cao kiến thức nhằm cải thiện sức khoẻ vật nuôi và hiệu quả thức ăn tại những trại thực nghiệm của mình. Song song đó, chúng tôi cũng cần làm việc với những khách hàng của mình cũng như hợp tác với đối tác nghiên cứu trong và ngoài nước để hoàn thiện hơn kiến thức của mình. Bốn chuyên viên nghiên cứu và phát triển của De Heus sẽ chia sẻ thêm về những dự án họ đang tham gia qua bài viết dưới đây.
Tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa để thay thế đậu nành trong thức ăn gia cầm
“Với mong muốn giảm dấu chân carbon của thức ăn chăn nuôi, chúng tôi tìm cách sử dụng nguyên liệu một cách linh hoạt. Đậu nành là một trong những nguyên liệu chính của thức ăn gia cầm. Từ đó thách thức đặt ra là ‘Làm sao để sản xuất thức ăn gia cầm không chứa đậu nành mà không gây ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi ?’ Điều quan trọng nhất là phải biết chính xác nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng loại vật nuôi để tính toán tỉ lệ của các loại nguyên liệu, tiếp theo đó, chất lượng thức ăn cần đồng đều để giúp người chăn nuôi dễ dàng dự đoán được kết quả chăn nuôi. Chúng tôi cần phải hiểu được giá trị của từng nguyên liệu đối với vật nuôi trước khi đưa vào sử dụng.”
“Để trở nên linh hoạt trong sử dụng nguyên liệu, chúng tôi tập trung tìm kiếm các nguyên liệu bản địa sẵn có ở từng đơn vị kinh doanh. Sau đó, chúng tôi xem xét xem nguồn nguyên liệu đó có khả thi để thay thế cho những nguồn nguyên liệu cũ không và có phù hợp với từng thị trường hay không. Cản trở lớn nhất bây giờ chính là nguồn cung của nguyên liệu chưa đáp ứng đủ nhu cầu của chúng tôi. Do đó, chúng tôi phải tiếp cận hợp tác với những nhà cung cấp và sản xuất địa phương bằng cách kích thích việc sản xuất tại địa phương đó.”
Cải thiện hiệu quả của đạm trong chăn nuôi gia súc
“Các hộ chăn nuôi gia súc nhai lại ngày càng chịu nhiều áp lực khi vừa phải giữ cho mức phát thải khí nitơ và chi phí sản xuất ở mức thấp, vừa đảm bảo năng suất chăn nuôi ổn định. Khối lượng và cách sử dụng đạm trong khẩu phần ăn trực tiếp ảnh hưởng đến lượng khí nitơ phát thải ra môi trường. Không chỉ vậy, đạm là một trong những nguyên liệu đắt đỏ nhất. Do đó, chúng tôi đã tìm hiểu cách điều chỉnh khẩu phần ăn của gia súc nhai lại nhằm tăng hiệu suất của đạm, giảm phát thải khí nitơ và chi phí sản xuất. Mục tiêu chính trong nghiên cứu của chúng tôi là sử dụng các chất phụ gia chiết xuất từ thực vật nhằm tác động đến vi thực vật dạ cỏ và giúp cải thiện hiệu suất của đạm trong thức ăn chăn nuôi. Gia súc hấp thụ đạm tốt hơn có nghĩa là lượng đạm trong sữa cao hơn, và lượng phát thải khí nitơ thấp hơn. Chúng tôi đã thử nghiệm một vài chất phụ gia từ thiên nhiên có sẵn trên thị trường ở các trang trại nghiên cứu bò sữa và hơn năm mươi trang trại bò sữa khác của khách hàng De Heus. Dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi phát triển một công thức mới cho thức ăn dành cho bò sữa. Với công thức này, người chăn nuôi có thể giảm thiểu lượng thức ăn giàu đạm như bột đậu nành trong khẩu phần ăn mà không làm giảm năng suất. Dẫu vậy, không phải người chăn nuôi nào cũng có cùng chương trình cho ăn. Tuỳ thuộc vào khẩu phần ăn – ví dụ như chế độ chăn thả hay lượng ngô ủ chua có trong khẩu phần ăn – mà hiệu suất của các chất phụ gia có thể sẽ khác nhau. Chúng tôi sử dụng hệ thống tính khẩu phần ăn nội bộ để quyết định liệu một khẩu phần ăn có đạt được những tiêu chí để sử dụng chất phụ gia với mục đích gia tăng lãi thực hay không. Với hệ thống này, chúng tôi có thể cố gắng để càng nhiều hộ chăn nuôi tiếp cận được công thức thức ăn chăn nuôi mới này.”
Mở rộng phạm vi nghiên cứu thủy sản
“Trong những năm đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi tập trung chủ yếu vào cá rô phi, một trong những loài cá rất phổ biến tại thị trường này. Chúng tôi nghiên cứu khả năng tiêu hoá từng nguyên liệu được sử dụng trong thức ăn cho cá, và nhờ đó chúng tôi biết chính xác mức độ hiệu quả của từng cách kết hợp nguyên liệu. Cá rô phi ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau và chúng khá dẻo dai, nhờ vậy mà chúng trở thành một loại cá điển hình trong nghiên cứu nuôi trồng thủy sản.” “ Bởi De Heus ngày càng có mặt ở nhiều thị trường đang phát triển như châu Á và châu Phi, chúng tôi gặp càng nhiều những thách thức mới về dinh dưỡng cho tôm, cá tra, cá trê châu Phi và một số loài cá chép khác. Dựa trên những kinh nghiệm đã có với cá rô phi, chúng tôi tiến hành các thử nghiệm nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh mới đang phát triển nhanh hơn nữa. Ví dụ, tại Myanmar, người chăn nuôi thả nhiều loài cá chép trong cùng một hồ nuôi. Mặc dù chúng đều là cá chép, nhưng mỗi loài cá chép khác nhau có thể sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Chuyên viên kĩ thuật của chúng tôi xem xét tất cả các biến số tại địa phương, bao gồm mật độ loài và mức độ chia nhỏ của hồ nuôi. Dựa vào đó, chúng tôi cung cấp cho người chăn nuôi những loại thức ăn đặc thù riêng cho từng nhu cầu dinh dưỡng của từng loài giúp tối ưu hoá năng suất thức ăn và hiệu quả nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là chế biến thức ăn chăn nuôi phù hợp với bất kỳ môi trường văn hoá nào, từ đó hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản trong bất kỳ tình huống nào.”