“Bằng Việc Minh Bạch Dấu Chân Carbon, De Heus Tạo Nhiều Cơ Hội Cho Toàn Bộ Chuỗi Giá Trị"

29 tháng 3 2022
-
6 minutes

Ngành chăn nuôi gia súc gia cầm đảm nhận trách nhiệm trong việc chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải. Các nhân tố trong chuỗi giá trị đang nỗ lực giảm thiểu các tác động lên môi trường và đạt được các mục tiêu về bền vững. Lĩnh vực được chú tâm tới nhất chính là việc giảm thải dấu chân carbon.

Do áp lực từ luật pháp và nhu cầu xã hội, các đối tác trong chuỗi giá trị ngày càng muốn người chăn nuôi minh bạch hơn về tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi. Điều này đang chủ yếu diễn ra ở châu Âu, nhưng các đơn vị kinh doanh của De Heus ở những khu vực khác mong đợi đối tác của họ cũng sớm thực hiện, đặc biệt là ở những nước có chuỗi giá trị để sản xuất hướng tới xuất khẩu sang châu Âu.

 

Dấu chân carbon là tổng lượng phát thải khí nhà kính của mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị – từ nguyên liệu thô sử dụng trong thức ăn chăn nuôi đến việc chăn nuôi ở các trang trại. Tổ chức Nghiên cứu Thực phẩm và Khí hậu, một hệ thống tổ chức gồm nhiều trường đại học uy tín (Cambridge, Oxford, Wageningen, CSIRO Australia), tính toán rằng ngành chăn nuôi gia súc – gia cầm đã tạo ra 14.5% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu (GHG). Trong đó, hoạt động chăn nuôi động vật nhai lại chiếm khoảng 80%, 13% có liên quan đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, tương đương với 1.9% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Anh Karst Mulder, Quản lý dự án về giảm thiểu CO2 trên toàn tập đoàn của De Heus, nói: “Tại De Heus, chúng tôi không chỉ muốn giảm thiểu dấu chân carbon của hoạt động sản xuất của chúng tôi, mà còn muốn minh bạch thông tin đó với khách hàng và đối tác.” Do đó, tập đoàn De Heus đưa ra mục tiêu đo lường dấu chân carbon của thức ăn chăn nuôi là một trong những Mục tiêu Xanh Toàn cầu. “Cung cấp thông tin chuẩn xác, minh bạch là một phần trách nhiệm nhằm giảm thiểu dấu chân carbon của nguồn đạm động vật mà chúng tôi có tham gia sản xuất.”

Trong năm 2021, De Heus đã phát triển công cụ có khả năng tính toán được dấu chân carbon của từng loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn tinh và thức ăn đậm đặc, của từng loại vật nuôi, ở từng địa điểm sản xuất của De Heus trên toàn thế giới. Dự án này cần sự phối hợp của bộ phận Thu mua, Nghiên cứu & Phát triển, Công thức và Công nghệ thông tin. “Hệ thống Công nghệ thông tin này đã đi vào hoạt động, giúp tự động hoá các tính toán cần thiết. Chúng tôi đã sẵn sàng để cả tập đoàn cùng tham gia vào dự án này.”

CÁCH TÍNH LƯỢNG DẤU CHÂN CARBON CỦA THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Để tính tổng lượng dấu chân carbon của một loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn tinh và thức ăn đậm đặc, De Heus tính tổng những tác động lên môi trường được tạo ra bởi các yếu tố sau:

Phần 1

Nước xuất xứ của nguyên liệu (việc này yêu cầu làm LCA - Phân tích Vòng đời cho mỗi nguyên liệu thô) + Vận chuyển từ đất nước sản xuất nguyên liệu tới địa điểm sản xuất của De Heus (VD: khoảng cách, phương tiện vận tải, loại nhiên liệu)

Phần 2

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của De Heus (VD: tất cả tài nguyên cần thiết cho mọi công đoạn sản xuất như xay, ép và trộn)

Phần 3

Vận chuyển từ nơi sản xuất của De Heus tới khách hàng (VD: khoảng cách, phương tiện vận tải, loại nhiên liệu)

NỖ LỰC TỪ TOÀN BỘ HỆ THỐNG

Mỗi địa điểm sản xuất đều phải cung cấp số liệu và dữ liệu cần thiết từ năm trước đó để chúng tôi có thể tính toán ảnh hưởng của toàn bộ lượng thức ăn được sản xuất. Phép tính này được chia làm ba phần. Phần đầu tiên được tính dựa trên nước xuất xứ của các nguyên liệu thô dùng cho từng loại thức ăn, premix và thức ăn đậm đặc, thêm vào đó là quá trình vận chuyển từng loại nguyên liệu. “Biết được xuất xứ chính xác của từng loại nguyên liệu là cực kì quan trọng, bởi mỗi xuất xứ đều có lượng dấu chân carbon riêng. Các nhân viên thu mua tại mỗi địa điểm sản xuất đều phải cung cấp cho chúng tôi thông tin này khi thu mua nguyên liệu.”

De_Heus_Animal_Nutrition_Sustainability_Carbon_Footprint_EPI02.jpg

Dấu chân carbon của một loại nguyên liệu được quyết định dựa trên phương pháp LCA - Phân tích Vòng đời. Đây là phương pháp tính toán ảnh hưởng môi trường của một sản phẩm qua việc đánh giá vòng đời của nó. LCA xem xét những biến số như việc sử dụng phân bón cho đất, trồng trọt và thu hoạch, sản lượng trên mỗi héc ta, thay đổi quyền sử dụng đất, xử lý, sản xuất và vận chuyển nguyên liệu. De Heus sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi Viện Thức ăn Chăn nuôi LCA Toàn cầu (GFLI).

Phần hai và phần ba của phép tính dựa trên điều kiện sản xuất tại từng đơn vị kinh doanh và loại hình vận chuyển thành phẩm đến người tiêu dùng. “Nhân viên vận chuyển - hậu cần và các giám đốc nhà máy có vai trò quan trọng trong việc cung cấp số liệu liên quan tới lượng phát thải trong quá trình sản xuất và xuất khẩu.”

CƠ HỘI KIẾN TẠO THÊM GIÁ TRỊ

 

Anh Karst chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2023, dấu chân carbon sẽ trở thành một trong những thông số được các nhà phát triển công thức của chúng tôi sử dụng để tối ưu hoá thức ăn. Điều này mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội để tạo thêm giá trị cho khách hàng và đối tác, ví dụ như thông qua việc phát triển thêm sản phẩm cao cấp cho thị trường địa phương. Chúng ta có thể nhìn vào ví dụ từ On the Way to Planet Proof – một chương trình chứng nhận được phát triển bởi một hợp tác xã bơ sữa tại Hà Lan. Theo đó, hộ chăn nuôi bò sữa nào đạt được tiêu chuẩn của thị trường cao cấp, ví dụ như dấu chân carbon thấp, thì sẽ đạt được giá sữa cao.”

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Một chuyên viên dự án sẽ hỗ trợ các đơn vị kinh doanh xuyên suốt quá trình này để đảm bảo rằng De Heus đạt được Mục tiêu Xanh Toàn cầu vào cuối năm 2022. “Kinh nghiệm chúng tôi có được từ năm đầu tiên thử nghiệm dự án này ở Hà Lan sẽ giúp tối ưu hoá quá trình thu thập dữ liệu trên toàn cầu. Khi đó, chúng tôi sẽ có thể làm việc hiệu quả hơn và nhanh hơn trong những năm sắp tới.”

Karst Mulder sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện những bước tiếp theo trong hoài bão kép về CO2 của De Heus. “Giờ đây khi đã biết cách xác định những con số này, De Heus có thể theo dõi và đo lường ảnh hưởng của chúng tôi lên môi trường – yếu tố căn bản để tiến tới đặt ra các mục tiêu SMART và cách tiếp cận có hệ thống để giảm tổng dấu chân carbon của chúng tôi.” Mục tiêu thứ hai là phát triển mô hình riêng cho mỗi loài để định lượng ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau lên lượng dấu chân carbon trên mỗi kilogram sản phẩm đạm động vật cuối cùng. “Trong tương lai gần, chuyên gia kĩ thuật của chúng tôi có thể dùng mô hình này để tư vấn cho khách hàng về cách họ có thể giảm dấu chân carbon từ sản phẩm thịt, cá, trứng và sữa của họ.”