De Heus Phối Hợp Với Bộ NN-PTNT Và Agriterra Tổ Chức Hội Thảo “Triển Vọng Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Thức Ăn Chăn Nuôi

04 tháng 1 2023
-
4 phút

Sáng 5/1/2023 vừa qua, De Heus phối hợp với Bộ NN-PTNT và Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) tổ chức thành công Hội Thảo “Triển Vọng Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Thức Ăn Chăn Nuôi Ngô, Sắn Tại Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Có một nghịch lý đó là Việt Nam là nước nông nghiệp với 7 vùng sinh thái, có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, hàng năm nước ta vẫn chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Sự phụ này được dự báo còn tiếp diễn lâu dài nếu chúng ta không có những chiến lược tổng thể, bài bản, sự hợp tác và vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan gồm chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, các nhà khoa học và người sản xuất. Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, từng bước giảm phụ thuộc nhập khẩu.”

hoi-thao-vung-nguyen-lieu-tinh-tay-nguyen-1.jpg

Ông Willemink Arno - Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam, cho biết: Hàng năm, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus sử dụng khoảng 3,2 triệu tấn nguyên liệu. Trong đó từ 800.000 đến 1 triệu tấn ngô (95% nhập khẩu với giá trị từ 6.700 - 9.250 tỷ đồng/năm) và 100.000 - 300.000 tấn sắn lát (75 - 80% là nguyên liệu nhập khẩu). Do đó Việt Nam có tiềm năng rất lớn để sản xuất nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

hoi-thao-vung-nguyen-lieu-tinh-tay-nguyen-2.jpg

Tuy nhiên, nghiên cứu của De Heus và đối tác cho thấy, ngô hạt nội địa của Việt Nam có biến động về độ ẩm, chất lượng khá nhiều. Bên cạnh đó, kích thước cũng nhỏ hơn, nhiều hạt hỏng và nhiều vật thể lạ, thường xuyên xuất hiện độc tố, nấm mốc. Còn việc thu hoạch sắn lát trong mùa mưa là nguyên nhân gây ra ẩm mốc, tỷ lệ lẫn cát, bụi lên tới 2%. Để phát triển các vùng nguyên liệu, tôi cho rằng, ngô Việt Nam cần cạnh tranh được với ngô Nam Mỹ về giá cả và chất lượng. Đồng thời người nông dân cần kiếm thêm lợi nhuận tốt hơn khi trồng thêm ngô và sắn.”

“Nghiên cứu của Agriterra và kinh nghiệm của chính De Heus đã chỉ ra rằng, nông dân nhận được mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mà De Heus phải trả cho người mua cuối. Người thu gom và đại lý đã chia sẻ một phần lợi nhuận. Chức năng lớn nhất của các đại lý là cung cấp khả năng tiếp cận hạt giống, phân bón và tín dụng”, ông Willemink Arno chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, De Heus cũng tin rằng một hợp tác xã cũng có thể đóng vai trò là người thu gom, đại lý. Bởi vậy, De Heus kiến nghị Bộ NN-PTNT nâng cao cơ hội thành công cho hợp tác xã thông qua việc ưu đãi thuế; nguồn tài trợ từ chính phủ với lãi suất thấp để nông dân có thể tiếp cận với nguồn tài chính. Agriterra, Bộ NN-PTTN và De Heus sẽ thảo luận thêm về cách thiết lập các phương án.

De Heus cần cung cấp từ 70.000 - 100.000 tấn ngô mỗi tháng. Sắn đã được quan tâm nhiều hơn nhờ có ngành công nghiệp tinh bột sắn và xuất khẩu, De Heus sẽ chú trọng vào việc sử dụng các phụ phẩm của sắn. Bên cạnh đó, De Heus sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án có tính khả thi hơn như đầu tư vào việc sấy ngô. Điều này sẽ được đẩy mạnh khi sản lượng ngô tăng cao lên.

Việc nâng cấp, đổi mới chuỗi giá trị như vậy sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp với giá cả cạnh tranh tốt hơn.

(Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam)