De Heus Kết Hợp Với Đại Lí Song Nhi Tổ Chức Hội Thảo Giới Thiệu Về Sản Phẩm Và Công Nghệ Mới Trong Nuôi Cá Nước Lạnh

28 tháng 6 2022
-
3 phút

Ngày 29/6, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) De Heus phối hợp cùng Song Nhi – một trong những đại lí lớn của De Heus về thức ăn thủy sản, đã tổ chức thành công “Hội thảo Giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới trong chăn nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam”.

Với mong muốn phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam, Tập đoàn De Heus đã liên tục nghiên cứu phát triển, đưa ra các sản phẩm thức ăn nuôi cá tầm, cá hồi phù hợp với môi trường nuôi ở Việt Nam. Hiện tại, De Heus đã khẳng định được sản phẩm của mình tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên. Đồng thời, Công ty cũng đã triển khai các mô hình nuôi cá tầm công nghệ mới đạt năng suất cao, giảm giá thành sản xuất giúp người nuôi nâng cao được hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, phía De Heus cũng liên tục nghiên cứu, thử nghiệm, nuôi thí điểm những mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè tại các sông lớn, hồ thủy điện...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Kiểm, Giám đốc Kinh doanh cá nước lạnh miền Bắc cho biết: “Cùng với sự phát triển của nghề nuôi cá nước lạnh, đến với buổi Hội thảo này, De Heus đưa ra một sản phẩm mới để phù hợp với mô hình nuôi cá tầm lồng bè trên sông và hồ thủy điện. Hy vọng, De Heus cùng các nhà phân phối, đối tác, khách hàng sẽ có sự kết nối nhiều hơn nữa để đưa nghề nuôi cá nước lạnh của Việt Nam phát triển hơn nữa”.

Ông Johan Van Den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ nuôi cá tầm, cá hồi. “Tập đoàn De Heus chuyên về thức ăn nhưng dinh dưỡng là chưa đủ, cũng cần hỗ trợ khách hàng các giải pháp kỹ thuật và hợp tác với các đối tác để hỗ trợ tới người nuôi. Chiến lược của De Heus ở Việt Nam là luôn hỗ trợ khách hàng là đại lý, đối tác và người nuôi", ông Johan Van Den Ban chia sẻ.

Trong phần giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới, ông Phạm Thành Đô, Giám đốc Kỹ thuật thủy sản mảng thức ăn cho cá miền Bắc đã giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới cho cá tầm và cá hồi. Kế thừa những ưu điểm của sản phẩm thức ăn cá tầm 9252, sản phẩm thức ăn cá tầm 926x ra đời phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của cá tầm được nuôi ở môi trường có điều kiện nhiệt độ cao và các vùng nuôi truyền thống trong năm có nhiều giai đoạn nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu. Sản phẩm mới này giúp đảm bảo sức khỏe, tốc độ tăng trưởng của cá tại vùng nuôi có nhiệt độ cao, vùng có dao động nhiệt. Đặc biệt, sản phẩm 926x giúp tối ưu khả năng tiêu hóa của sản phẩm, cân bằng dinh dưỡng DP/DE giúp bảo vệ gan cá, tăng cường vitamin C, axit amin, khoáng hữu cơ giúp tăng sức khỏe cá.

Về công nghệ mới, ông Phạm Thành Đô cũng giới thiệu mô hình nuôi cá ít thay nước giúp nuôi được nhiều cá hơn với cùng một nguồn nước, tăng năng suất, sản lượng cá nuôi tại các trại bị hạn chế nguồn nước, chủ động nguồn nước khi nước suối bị ô nhiễm trong thời gian nhất định, quản lý và điều chỉnh được một số tiêu chí môi trường bể nuôi, bảo vệ môi trường nước do ít chất thải từ quá trình nuôi cá ra môi trường. Hơn nữa, mô hình mới này phù hợp với các trại mong muốn tăng sản lượng, có diện tích đất đủ lớn (xây dựng ao nuôi và ao chứa); có nguồn nước, điện lưới tốt (có điện dự phòng)...

Mô hình nuôi cá ít thay nước cần đảm bảo các tiêu chí như ao nuôi có diện tích từ 100 - 300 m2; ao nuôi có hình tròn hoặc hình vuông vét góc; độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5 m; diện tích ao xử lý nước bằng 20 – 30% diện tích nuôi; thiết bị cung cấp ôxy chính 1,5 kW/300 m3 nước, máy bơm tổng đảm bảo chu kỳ thay nước 1 - 2 lần/ngày. Với những tiêu chí như trên, mô hình có thể cho năng suất nuôi 20 – 30 kg/m3 với mật độ nuôi thịt 10 – 15 con/m2.

Về phía công ty Song Nhi, sau 1 năm áp dụng công nghệ mới và 6 tháng áp dụng đầy đủ, Song Nhi đã thu về rất nhiều lợi ích. Khi áp dụng khoa học công nghệ, trang trại sẽ giảm nhân công và kiểm soát được lượng thức ăn. Thay vì cho ăn thủ công, cá sẽ được ăn nhiều bữa trong một ngày thông qua bảng điều khiển. Đối với các trang trại lớn không đủ nhân công, việc sử dụng máy móc giảm chi phí đáng kể về nhân công cũng như thức ăn thừa. Về lọc tuần hoàn, đây là xu thế chung của thế giới, hướng đến tiết kiệm nguồn nước sạch.